[Báo công an nhân dân]- “Thần dược” núi Dành

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) mới đây đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Nam núi Dành thuộc huyện Tân Yên (Bắc Giang). Đây là một dấu mốc minh chứng cho những giá trị dược tính của một loài sâm vốn được lưu truyền trong dân gian, thậm chí có khi tưởng như tuyệt chủng. Đó cũng là thành quả sau nhiều năm cố gắng của người dân ven núi Dành trong việc bảo tồn, phát triển nguồn gen quý hiếm.

Nguồn gen quý

Trên thế giới vốn nổi tiếng với nhân sâm Triều Tiên, Hàn Quốc; còn tại Việt Nam, nói đến sâm nhiều người thường nghĩ ngay đến sâm Ngọc Linh. Thế nhưng ít ai biết rằng ở một ngọn núi phía Bắc còn tồn tại loài sâm quý hiếm khác đang được xây dựng thương hiệu, đó là sâm Nam núi Dành. Theo sách Địa chí Bắc Giang, núi Dành xưa kia còn có tên là núi Chung Sơn, nổi tiếng với nhiều kỳ hoa dị thảo.Còn sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép: Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới Yên Thế sản xuất ra sâm Nam và cỏ thi. Sách này còn lưu lại tư liệu như sau: “Tên nỏ sản xuất tại Yên Thế. Cát sâm sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cát Sâm cũng gọi là nam sâm, sản ở đỉnh núi Chung Sơn, huyện Yên Thế da vàng, thịt chắc, khí vị đều tốt, không như sâm sản ở xứ khác da trắng và nhiều nhớt”.

Thu hoạch Sâm Nam núi Dành
Thu hoạch Sâm Nam núi Dành

Dãy núi Dành hiện nay thuộc địa phận hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên. Từ xa xưa nơi đây được nhiều người biết đến với sản phẩm sâm Nam, còn gọi là “sâm tiến vua”, cũng có người gọi là cát sâm, những người dân bản địa vẫn quen gọi là sâm Nam núi Dành. Mọi người vẫn lưu truyền những câu chuyện huyền sử liên quan đến loài sâm này. Trong đó có câu chuyện rằng, thời Vua Tự Đức, mẹ nhà vua (Đức Từ Dụ Hoàng thái hậu) bị loà mắt.

Thương mẹ, nhà vua đã tìm mọi thảo dược quý hiếm cũng như các bậc lang y kỳ tài lúc bấy giờ cứu chữa, song bệnh tình không tiến triển. Mọi lang y giỏi, những phương thuốc hay đều đã dùng nhưng không có kết quả. Vào lúc nhà vua vô vọng, một vị quan dâng lên một loài sâm quý tại vùng núi Dành. Chẳng ngờ, sâm quý như thuốc tiên đã giúp đôi mắt của mẹ nhà vua sáng lại. Từ đó, sâm núi Dành được ví như kỳ thảo, trở thành vật phẩm tiến vua…

Theo quan sát của chúng tôi, sâm nam núi Dành là loài dây leo mảnh, yếu, thường nằm bò trên mặt đất hoặc phải tựa, cuốn theo cành lá cây khác để vươn lên. Củ sâm có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng, bên trong lõi màu vàng nhạt, mùi thơm dịu, vị hơi ngọt… Có loại sâm năm và loại sâm ba. Sâm năm là loại có 5 lá, sâm ba là loại chỉ có 3 lá và sâm năm tốt hơn sâm ba.

Vài năm trước, khi về dự lễ hội đền Dành vào dịp tháng Giêng ở xã Liên Chung, tôi thấy người dân trưng bày giới thiệu với du khách những chai rượu ngâm củ sâm Nam nhưng kỳ thực tôi cũng chẳng biết sản phẩm ấy bổ béo thế nào, có tác dụng và hiệu nghiệm đến đâu nên cũng chỉ tìm hiểu qua loa và thậm chí có đôi chút hoài nghi về những lời giới thiệu của người dân sở tại. Có người dân thì nhiệt tình rót chén rượu sâm Nam ra mời mọi người dùng thử và tuyên truyền rằng sâm này quý hiếm lắm, xưa kia được dùng cống nạp cho triều đình và hiện nay thì cả dãy núi Dành này may ra còn vài khóm sâm như thế. Đó là chuyện của quá khứ, của những truyền tích lâu đời không lấy gì làm bằng chứng, và biết đâu trong đó có phần hư cấu, thêu dệt từ dân gian?

Trở về với thực tại, hiện nay một số người dân trong vùng Tân Yên vẫn chăm sóc từng gốc sâm Nam, họ coi đó như bảo vật, một gen giống quý và nâng niu, gìn giữ. Trong cuộc sống bà con cũng thường sử dụng sâm Nam để chữa các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp, gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ. Bản thân người dân cũng có nguyện vọng để các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu tìm ra thành phần và công dụng thực sự của loài sâm này ra sao để công bố. Dù quý là vậy song một thời gian dài trước đây, những tưởng loài sâm quý này đã bị tuyệt chủng.

Từ năm 2007, sâm nam được Sách Đỏ Việt Nam xếp ở mức độ sắp nguy cấp, cần được bảo tồn, phát triển. Khoảng chục năm gần đây các nhà khoa học và một số người dân địa phương tâm huyết tìm cách bảo tồn, nhân rộng loài thảo dược quý này. Đáng nói hơn, một cuộc nghiên cứu nghiêm túc về điều kiện sinh trưởng, phát triển, thành phần, cũng như công dụng của sâm Nam đã được các nhà khoa học quan tâm thực hiện và công bố đầy đủ.

Trước những nguyện vọng chính đáng của người dân, năm 2018, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp công nghệ cao (CNC – Viện Di truyền Nông nghiệp) đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Đây là đề tài khoa học thực hiện trong 3 năm (2015 -2018) với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp CNC (đơn vị chủ trì) và Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các chuyên gia xác định, sâm Nam núi Dành có tên khoa học là Callerya speciosa, phân bố hẹp, chủ yếu ở xã Việt Lập và Liên Chung – nơi có thành phần thổ nhưỡng đặc biệt (đá cám, Canxi và Magie). Nhóm chất chính trong mẫu sâm là saponin (hoạt chất chính tạo nên những công dụng kỳ diệu của sâm), flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin… Mẫu sâm hơn 5 tuổi có hàm lượng lớn hơn đáng kể so với mẫu 2, 3, 4 tuổi. Cụ thể, nhóm chất saponin ở củ sâm Nam núi Dành 5 tuổi cao hơn so với 2 tuổi 253%, flavonoid là 595%. Đáng nói, hàm lượng chất saponin tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh.

Các nghiên cứu đã bước đầu định danh, phân loại, xác định một số dược chất và đề xuất phương án bảo tồn nguồn gen cây sâm nam núi Dành. Ông Hà Văn Thiêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản Bắc Giang cho biết: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng dược chất của sâm Nam núi Dành được đánh giá ngang bằng với sâm Hàn Quốc và bằng 1/3 sâm Ngọc Linh. Hiện nay, diện tích sâm Nam phân bố tại 2 xã Việt Lập và Liên Chung với diện tích gần 300 ha, sinh trưởng và phát triển rất tốt. Địa phương đã thành lập HTX Sản xuất, tiêu thụ sâm nam núi Dành Liên Chung gồm 17 thành viên. HTX đã mở rộng diện tích cây sâm Nam, nhân hàng chục nghìn bầu giống, cùng đó xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm sâm Nam tại Khu du lịch tâm linh sinh thái núi Dành.

Hồi sinh loài sâm quý

Theo các tài liệu được công bố, các đặc thù của sâm Nam núi Dành có được là do điều kiện độc đáo về mặt tự nhiên và phương pháp canh tác tại khu vực địa lý. Đây là vùng nằm độc lập giữa đồng bằng, có độ cao từ 10-80m, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 24,9-26,5 độ C, tổng lượng mưa trung bình năm từ 1.400-1.700mm, độ ẩm không khí trung bình đạt 82,5%, lượng bốc hơi trung bình năm từ 800-850mm. Biên độ nhiệt ngày đêm tại khu vực địa lý vào tháng 9, tháng 10 dương lịch (thời kỳ cây ra hoa, tạo hạt) là từ 5-7 độ C.

Đất tại khu vực địa lý được hình thành từ hệ tầng Vân Lãng, có tầng đất dày trên 50 cm, tơi xốp, độ xốp đất tầng mặt từ 50-51%, giàu hợp chất hữu cơ và chất vi lượng. Sâm Nam được trồng bằng cách uốn vít cành bánh tẻ vào các túi bầu, bón chủ yếu bằng phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác. Củ sâm được thu hoạch khi đạt trên 4 năm tuổi.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Khắc Lư ở thôn Hậu, xã Liên Chung – một hộ dân đã tìm và giữ được giống sâm Nam nhiều năm nay, ông Lư kể: Hơn hai chục năm trước gia đình ông nhận đất trồng rừng ở chân núi Dành. Trong một lần cuốc đất thấy bật lên những củ nhỏ, mùi thơm, nếm thử thấy ngọt mát, vốn gia đình có nghề làm thuốc Đông y nên ông Lư biết mình gặp may khi tìm thấy gốc sâm Nam và ông giữ gìn gen quý từ đó cho tới bây giờ.

Theo ông, núi Dành xưa kia toàn cây cỏ de với dành dành, mỗi khi kiếm được củ sâm thì mọi người đều mừng lắm. “Lúc bấy giờ do nghèo và mỗi khi có ai trong nhà bị cảm cúm, người dân lại lên núi Dành tìm và đào củ sâm về chữa trị”, ông Lư nói. Từ gốc sâm ban đầu ấy, ông Lư đã nhân ra và hướng dẫn một số hộ dân khác trồng để giữ giống. Trước ông, một số hộ dân trong vùng cũng tìm được sân Nam và nhân thử giống nhưng không thành công.

Ngoài ra 4 năm trước, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, hộ ông Thân Hải Đăng, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập cũng được chọn làm điểm để nghiên cứu, đánh giá khoa học về sâm Nam núi Dành. Ông Đăng cho biết, trước kia, gia đình trồng vài cây sâm ở góc vườn, cũng không biết giá trị ra sao, gà thường xuyên bới mổ cây. “Hễ thân có cành chồi ra mặt đất, tôi lại cuốc xới trồng sang chỗ khác, cây phát triển chậm, tỷ lệ sống chỉ đạt 50%. Sau khi được các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, chăm sóc, tỷ lệ sống đạt 90%, cây phát triển nhanh”, ông Đăng chia sẻ.

Thông thường, mỗi cây sâm trồng từ 4 đến 5 năm cho thu hoạch. Trên thị trường, 1 kg sâm Nam núi Dành tươi hiện có giá khoảng 2 triệu đồng. Việc nghiên cứu tìm ra đặc tính sinh học, dược tính, giá trị trong y dược của sâm Nam núi Dành là một tin thật sự vui với người dân. Các nhà khoa học cũng kết luận có 3 phương pháp bảo tồn gen này, trong đó, uốn vít cành bánh tẻ vào các túi bầu có tỷ lệ hình thành rễ cao nhất sau 90 ngày là 75%; giâm hom 29% và phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (thực hiện trong phòng thí nghiệm).

Được biết hiện nay một số hộ dân tại địa phương đã đầu tư trồng loài sâm này với quy mô lớn và cung cấp cho các công ty dược phẩm và du khách. Với những gì dân gian truyền tụng và kết quả nghiên cứu khoa học ban đầu cho thấy có thể tác dụng của sâm Nam là có thật. Trong tương lai cần nhiều hơn những nghiên cứu cụ thể cũng như chính sách hỗ trợ để bảo tồn, phát triển loài sâm  này. Việc sâm Nam núi Dành được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần nâng cao vị thế, tên tuổi của sản phẩm trên thị trường; tạo tiền đề và khuyến khích người dân tham gia thành lập các nhóm, đội và hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm, tiến đến sẽ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và canh tác sản phẩm nhằm nâng cao năng suất.

Nguồn: Báo công an nhân dân: https://cand.com.vn/phong-su/than-duoc-nui-danh–i627696/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!